Mỏ muối đá tự nhiên tựa cung điện, bên trong mỏ muối Wieliczka thắp đèn chùm sáng choang, lộng lẫy không kém cung điện hoàng gia, trở thành một trong những điểm du lịch hút khách nhất nước.
Mỏ muối Wieliczka, gần Krakow khai trương vào thế kỷ 13, đến nay là một trong những nơi đầu tiên ở Ba Lan được UNESCO công nhận là Di sản Thế giới. Bước vào bên trong hầm, bạn sẽ thấy choáng ngợp với không gian lộng lẫy tựa cung điện hoàng gia.
Thời Trung cổ, có khoảng 300 - 350 công nhân làm việc tại đây mỗi ngày, cho sản lượng tầm 7 - 8 tấn muối mỗinăm. Nhà thiên văn học người Ba Lan Nicolaus Copernicus được xem là du khách đầu tiên đến thăm mỏ muối. Để kỷ niệm sự kiện này, họ đã tạc một bức tượng bằng muối mô phỏng nhà thiên văn, đặt trong căn phòng mang tên ông.
Bên trong thắp sáng bằng đèn chùm thiết kế tinh xảo khiến không ít du khách bày tỏ rằng họ có cảm giác không chân thật khi tham quan Wieliczka. Bởi trong tưởng tượng của nhiều người, các hầm mỏ thường tối tăm. Toàn bộ mỏ có khoảng 2.000 căn buồng lớn nhỏ, hầu hết mọi thứ đều làm từ muối và điểm sâu nhất là 1.072 feet (khoảng 326,7 m).
Vào thế kỷ 13, đây là nơi cung cấp muối lớn nhất cho cả nước, có tên gọi là Magnum Sal (hay Great Salt), đóng vai trò quan trọng đối với kinh tế Ba Lan. Mỏ muối vẫn tiếp tục được khai thác cho đến năm 2007 vì các công nhân muốn duy trì địa điểm lịch sử này, khiến nó trở thành một trong những mỏ muối hoạt động lâu nhất thế giới.
Hiện nó trở thành một trong những điểm du lịch hút khách nhất Ba Lan. Một số vị trí bị rò rỉ nước nên luôn có người theo dõi để kịp thời sửa chữa, bảo tồn. Đây là muối đá tự nhiên mang các sắc thái khác nhau của màu xám, giống đá granit chưa được đánh bóng hơn là màu trắng tinh thể. Đứng trong hầm mỏ, du khách có thể "sống ảo" ở mọi góc.
Bốn nhà nguyện trang bị đèn chùm lớn nằm bên trong hầm mỏ dành cho các công nhân cầu nguyện. Trải qua nhiều năm thăng trầm, không ít căn phòng, hành lang đã được trùng tu phục vụ mục đích du lịch, mỗi năm đón khoảng 2 triệu du khách.
Khó có thể hình dung toàn bộ cấu trúc ngầm khổng lồ này trông như thế nào vì du khách chỉ được tham quan khoảng 2% diện tích mỏ. Bên cạnh đó, các hành lang quanh co như mê cung mà kể cả những công nhân làm việc tại đây cũng chưa chắc ghi nhớ hết.